Từ đầu tháng 7 đến nay việc sửa chữa và nâng cấp ở hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã làm cho nhiều chuyến bay phải hủy chuyến hoặc delay chuyến bay.
Tình trạng chậm chuyến do chờ xếp hàng vào đường băng đã diễn ra từ đầu tháng 7, khi đường cất hạ cánh 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất và đường cất hạ cánh 11L/29R của sân bay Nội Bài phải đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa.
Theo thông tin từ đại diện của hãng Vietnam Airlines cho hay tình trạng chậm giờ khởi hành hoặc phải bay vòng để chờ hạ cánh tại hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã gây ảnh hưởng dây chuyến đến các sân bay khác, các hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air, Bamboo Airways phải điều chỉnh lịch bay và thông báo cho hành khách ra sân bay trước 2 tiếng để làm thủ tục trước thời gian khởi hành nhằm giảm ùn tắc tại sân bay.

Trước đây chỉ số đúng giờ (OTP) của các chuyến bay Vietnam Airlines thường đạt trên 90%, song từ ngày các đường băng phải đóng cửa, chỉ số OTP giảm mạnh trên toàn hệ thống, dao động từ 56 đến 88%. Cá biệt vào cuối tuần qua (3/7), chỉ số OTP chỉ đạt 56% và ngày 5/7 đạt 67%.
Hãng Bamboo Airways đã phải tiến hành điều chỉnh giờ bay hơn chục chuyến bay mỗi ngày trên mạng lưới, do ảnh hưởng việc sửa chữa đường băng của hai sân bay lớn. Ngoài ra, hãng này cũng hủy nhiều chuyến bay chặng TP HCM – Đà Nẵng, TP HCM – Phú Quốc.
Về phía Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng cho biết, để giải quyết ùn tắc máy bay tại hai sân bay lớn, trong tuần này, các cơ quan như cảng vụ, các hãng hàng không, Tổng công ty cảng hàng không và cơ quan không lưu sẽ rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động, điều hành bay; điều chỉnh cơ cấu, tỷ lệ chuyến cất hạ cánh cũng như bố trí lại giờ cụ thể từng chuyến trong từng khung giờ.

“Số lượng chuyến bay cất hạ cánh tối đa theo giờ sẽ giữ nguyên song sẽ được điều hành hợp lý hơn ngay trong tuần này”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng đã yêu cầu Tổng công ty quản lý bay trực tiếp làm việc với các đơn vị điều hành bay tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất để áp dụng các biện pháp rút ngắn phân cách máy bay theo tiêu chuẩn 3 dặm biển trong khu vực tiếp cận để các máy bay hạ cánh nhanh hơn; tăng cường phối hợp giữa đơn vị điều hành máy bay lăn và máy bay cất hạ cánh. Trong trường hợp có nhiều máy bay chờ cất cánh thì không cho các máy bay khác nổ máy, lăn ra khu vực cất cánh.
Đọc thêm tin tức hàng không mới nhất tại website: https://vienhangkhong.com/ bạn nhé!